Khi mỗi con thuyền nhổ neo ra khơi, ai cũng hiểu những ngư dân trên con thuyền đó sẽ phải đối mặt với khó khăn, cực nhọc và cả hiểm nguy đang rình rập họ ngoài khơi xa. Con thuyền được coi là linh hồn của người dân vùng biển nên dù có phải sinh nghề, tử nghiệp họ vẫn gắn chặt cuộc đời mình vào mỗi con thuyền, cùng nhau lướt qua từng đợt sóng lớn nhỏ, từng cơn thịnh nộ ngoài biển khơi. Đó cũng là câu chuyện chúng tôi luôn tự hào mỗi lần được kể cho du khách nghe về những tháng năm dài lênh đênh giữa biển để có được Ngọc trai Ngọc Hiền - Thương hiệu ngọc trai hàng đầu Phú Quốc ngày hôm nay.
Người đến với đảo với hai bàn tay trắng
Ông Hồ Phi Thuỷ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em tại miền biển Thạch Hà - Hà Tĩnh. Năm 19 tuổi, ông cùng bạn bè rời quê hương vào Phú Quốc lập nghiệp với mong ước giản dị, đó là “làm sao để có cơm ăn ngày 3 bữa, Tết có 3 bộ quần áo mới mang về là được”. Chính ông cũng không ngờ vận đổi sao dời, từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên cơ ngơi sự nghiệp đáng khâm phục tại nơi đây.
Bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ 90 ở vùng đất mới, không có người quen, không có vốn liếng nhưng nhờ ý chí quyết tâm và sự nhanh nhẹn, ông nhanh chóng làm quen với công việc của thợ lặn. Hàng ngày ông lặn biển mò tìm trai, ốc hoặc vỏ trai để bán cho các xưởng sơn mài Sài gòn, Bình Dương làm thủ công mỹ nghệ.
Khó có thể diễn tả được nỗi vất vả khi phải lênh đênh trên biển, phải làm việc quần quật nhiều ngày liền với nắng, gió và sóng dữ. Hầu như suốt ngày ông ngâm mình dưới đại dương. Tối về, mắt nhức, đầu óc cứ ong ong, tai thì ù đặc… thế mà thu nhập vẫn bấp bênh. Hôm nào may mắn thì kiếm được ngọc, được điệp, được cá và có tiền, có chỉ vàng. Nhưng nhiều hôm lên bờ tay trắng…
Sau một thời gian lặn lội dưới lòng đại dương, anh cũng đã tích cóp được một số vốn nho nhỏ, vay mượn thêm người thân, thậm chí vay lãi suất cao để mua con thuyền số hiệu KG-1640 TS làm phương tiện mưu sinh.
Đương đầu sinh tử
Năm 1997 siêu bão Linda càn quét qua nhiều vùng biển trong đó có Phú Quốc. Mặc dù đã chủ động đưa thuyền đi tránh bão nhưng do con thuyền bị mắc vào dây neo của ai đó vứt lại nên không thể đi xa như dự kiến ban đầu. Lúc này, ông chỉ kịp ẩn mình vào một hẻm đá, bất lực nhìn con thuyền của mình dập dìu trên con sóng dữ, hết va vào bờ rồi lại trôi ra xa như muốn vỡ vụn thành trăm mảnh. Sau khi bão tan, xung quanh con thuyền của ông là những xác thuyền bè và cả người trôi dạt lênh đênh. Lạ lùng thay con thuyền của ông chỉ bị vỡ một mảnh nhỏ cứ như có một bàn tay vô hình che chở. Ông bần thần đứng trên bờ nhìn chiếc thuyền trước mắt, nếu không có nó thì chắc ông cũng đã thiệt mạng giữa trùng dương như trăm nghìn con người khác trong cơn bão dữ. Kể từ đó con thuyền đối với ông mang một ý nghĩa thiêng liêng khó tả.
Bén duyên với ngành nuôi cấy ngọc trai
Sau cơn bão ông quyết định nghỉ nghề lặn biển vì không thể gắn bó lâu dài với cái nghề đầy bất trắc ấy. Đúng lúc đó ông được công ty Okawa của Nhật chuyên về nuôi cấy ngọc trai đề nghị ông vào làm công ăn lương và mua lại con thuyền của ông. Công việc nhiều lúc vẫn phải lặn biển nhưng do lặn giỏi và mang lại năng suất cao nên ông được ông chủ Nhật Bản tin tưởng và giao cho nhiều công việc hơn những công nhân khác. Nhờ đó mà ông có điều kiện học hỏi kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai qua các công việc như lặn biển, thăm dò, kiểm soát vùng nuôi cấy và theo dõi xử lý ngọc trai của công ty có chủ nước ngoài này.
Không lâu sau đó khủng hoảng kinh tế khiến doanh nghiệp Nhật tuyên bố phá sản. Toàn bộ các trang thiết bị được bàn giao lại cho ông để bán và trả lương cho nhân viên. Bởi yêu nghề nên ông một lần nữa đưa ra quyết định bước ngoặc của cuộc đời. Ông đã dồn đồng vốn ít ỏi tích cóp được của mình cộng với số tiền của người thân, người quen mà anh vay mượn để mua lại những gì công ty người Nhật rao bán. Số tiền 300 triệu đồng cho cái “cơ nghiệp” đầu tiên vào thời điểm đó là quá lớn đối với chàng thanh niên nghèo. Ông tâm sự: “Nhiều đêm tôi không ngủ được khi ôm lấy đống đồ nghề và cơ ngơi mới được sang nhượng này”. Vậy mà trong vòng 5 tháng, ông đã giúp công ty thanh toán lương cho toàn thể công nhân viên. Sau đó ông bán toàn bộ trang thiết bị và thông qua một người phiên dịch, ông mời ông Horikiri đại diện công ty Okawa quay lại Phú Quốc và tự tay giao lại toàn bộ số tiền ấy. Nghĩa cử cao đẹp ấy của ông đã làm cho ông Horikiri thực sự rất cảm động.
Cũng chính nhờ mối hảo giao thâm tình này đã giúp ông Hồ Phi Thuỷ mời được các chuyên gia người Nhật và những người cộng tác tốt bụng cùng mình thành lập công ty Ngọc trai Ngọc Hiền.
Từ năm 1994 cái tên Ngọc trai Ngọc Hiền đã ra đời với sứ mệnh mang những báu vật hiền hòa, tinh túy từ đại dương đến với con người.
Ngọc trai Ngọc Hiền - Thương hiệu ngọc trai hàng đầu Phú Quốc
Ngọc trai Ngọc Hiền với tiền thân là Công ty Okawa (Nhật Bản) ra đời năm 1994 đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Không dừng lại ở đó, con thuyền Ngọc trai Ngọc Hiền vẫn tiếp tục hướng về biển lớn vượt sóng ra khơi đầy mạnh mẽ. Đó chính là thông điệp mà ông Hồ Phi Thuỷ muốn gửi gắm đến du khách tham quan qua hình ảnh con thuyền được đặt tại phòng trưng bày.
Bồi hồi nhớ lại khi xưa, đã có lúc khó khăn ông đem bán con thuyền của mình, không phải một mà đến tận sáu lần. Ông vẫn nghĩ khi nào có tiền rồi sẽ mua lại thuyền, thế nhưng trong cả sáu lần ấy con thuyền đều được chủ mới hoàn về cho ông chỉ sau một thời gian ngắn. Tất cả những chuyện ly kỳ xảy ra khiến ông tin rằng giữa ông và con thuyền có một mối nhân duyên đặc biệt không thể tách rời.
“Bao năm xem thuyền là nhà, biển cả là quê hương, tôi thấy bình yên với nó. Cũng giống như những người dân vùng biển, dù có phải sinh nghề tử nghiệp họ vẫn gắn chặt cuộc đời mình vào mỗi con thuyền, chìm nổi theo con sóng, ngọn gió.” - Hồ Phi Thuỷ
Hãy ghé thăm Ngọc trai Ngọc Hiền để ngoài thế giới trang sức ngọc trai thời thượng, bạn còn có dịp hiểu thêm về câu chuyện khởi nghiệp phi thường nơi đây.